Ngay vụ đầu trồng thử nghiệm, phương pháp trồng sắn mới đã cho năng suất đến 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống trung bình chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.
Mô hình trồng sắn phủ bạt tại huyện Sông Hinh. Ảnh: KS.
Phương pháp trồng sắn cho năng suất gấp 3 lần thông thường
Mới đây, gia đình ông Lê Tấn Hải ở thôn Hà Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh, Phú Yên) đã thu hoạch 5 sào (sào 1.000m2) sắn trồng theo kỹ thuật phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt. Ngay trong vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, ông Hải đã thu hoạch đạt năng suất đến 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống trung bình chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.
Đây là một trong những mô hình do huyện Sông Hinh phối hợp với Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên triển tại các xã Sơn Giang, Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng với diện tích 5ha, gồm 7 hộ dân tham gia. Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha, phần còn lại tự đối ứng.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, dự kiến năng suất bình quân của mô hình ước đạt 45 tấn/ha, tăng từ 25 - 30 tấn/ha so với trồng đại trà tại địa phương. Với giá sắn từ 3.000 - 3.350 đồng/kg, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt mang lại thu nhập cho nông dân từ 100 - 110 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận từ 60 - 65 triệu đồng/ha, cao gần gấp ba lần so với canh tác theo truyền thống.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, việc áp dụng mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt là giải pháp tích cực đang được huyện đặc biệt quan tâm để nâng cao năng suất, thu nhập cho bà con. Hơn nữa, việc áp dụng trồng sắn theo phương pháp mới này không chỉ tiết kiệm nước, công chăm sóc lẫn công thu hoạch, mà còn giảm chi phí vật tư đầu vào đáng kể. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện đã nhận rộng trên 70ha sắn trồng phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt.
Cây sắn trong mô hình phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt sinh trưởng, phát triển rất tốt. Ảnh: KS.
Cũng theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, quy trình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt dễ triển khai. Cụ thể, sau khi cày đất tơi xốp tiến hành lên luống, có thể áp dụng lên luống hàng đôi (tức trồng 2 hàng/luống) hoặc lên luống hàng ba (trồng 3 hàng/luống). Mỗi luống cao khoảng 35 - 40cm để thoát nước tốt. Sau đó phủ lớp bạt có chiều rộng từ 1,4 -1,8m có đục lỗ sẵn vào giữa luống rồi đặt đường ống nước tưới nhỏ giọt. Sắn được trồng hom đứng, số lượng giống khoảng 200 bó/ha. Bón phân lót bằng cách vãi trực tiếp lúc lên luống gồm phân lân và NPK, còn bón phân thúc bằng cách pha vào nước tưới qua hệ thống tưới nhỏ giọt, liều lượng bón tùy theo thực tế.
Mặc dù mô hình mới triển khai năm đầu tiên nhưng nông dân tham gia thực hiện cũng như các hộ trồng sắn trong vùng đều nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển rất nhanh, bộ lá tốt, thân cây mập mạp, nhiều củ, rất ít tốn công làm cỏ và phun thuốc BVTV, đặc biệt tỷ lệ nhện đỏ gây hại thấp.
Trước hiệu quả trên, ông Đinh Ngọc Dạn cho biết ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Trước mắt, huyện tiếp tục triển khai mô hình này trên địa bàn xã Sông Hinh, Ea Ba, Ea Lâm và thị trấn Hai Riêng để bà con nông dân học tập kinh nghiệm. Đồng thời huyện đã làm việc với Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên tiếp tục đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn phủ bạt cho bà con, cũng như cam kết thu mua toàn bộ sản lượng sắn theo giá thị trường.
Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án phát triển sản xuất để hỗ trợ cho người dân nhân rộng mô hình.
Huyện Sông Hinh mong muốn Sở NN-PTNT, trung tâm giống, các công ty chọn lọc, định hướng và hỗ trợ về giống sắn cho năng suất, độ bột cao để chuyển giao cho nông dân sản xuất. Đối với Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, cần quan tâm hỗ trợ đầu tư về hệ thống tưới nước nhỏ giọt ở các vùng có điều kiện để nông dân mạnh dạn sản xuất, nhân rộng mô hình, đồng thời ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Quy hoạch vùng trồng tập trung, tìm giống kháng bệnh
Bên cạnh nâng cao năng suất, Chủ tịch huyện Sông Hinh cho hay, địa phương cũng rất quan tâm đến việc đưa giống sắn mới sạch bệnh, kháng bệnh khảm lá, có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Theo đó năm 2024, huyện đã thực hiện trồng được trên 10ha giống sắn HN5 kháng bệnh khảm lá trên mô hình trồng sắn phủ bạt, kết hợp tưới nước nhỏ giọt.
Tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch vùng trồng sắn tập trung tại các địa phương. Ảnh: KS.
Đặc biệt, để đảm bảo cây sắn phát triển bền vững trong thời gian tới, UBND huyện Sông Hinh đã triển khai thực hiện chủ trương giảm dần diện tích trồng sắn ngoài vùng quy hoạch và tăng đầu tư thâm canh sắn trong vùng quy hoạch để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên cho biết, vừa qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tích hợp quy hoạch vùng trồng sắn tập trung của tỉnh vào quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1746 ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, vùng trồng sắn tập trung tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Bộ NN-PTNT ban hành tại Quyết định số 1115 ngày 17/4/2024.
Về giải pháp nâng cao năng suất sắn, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi thực hiện mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt tại huyện Sông Hinh. Từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình để tuyên truyền đến các địa phương trồng sắn trên địa bàn tỉnh học tập, áp dụng nhân rộng. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã trồng sắn với các doanh nghiệp chế biến sắn trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, cây sắn đã tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho bà con nông dân. Ảnh: NH.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, thời gian qua, để phòng chống bệnh khảm lá sắn, Chi cục đã tuyên truyền cho bà con các giải pháp theo quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh của Cục BVTV. Đồng thời triển thực hiện các mô hình, dự án nghiên cứu, khảo nghiệm các giống sắn có khả năng chống chịu, kháng bệnh khảm lá sắn. Cụ thể như đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất, tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Phú Yên”; mô hình “Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm”; mô hình theo dõi đánh giá khả năng kháng bệnh khảm lá sắn, hàm lượng tinh bột và đánh giá năng suất của 27 dòng/giống sắn…
Kim Sơ (NNVN)
Phản hồi