Hươu sao là vật nuôi dễ chăm sóc, ít rủi ro do dịch bệnh nên người nuôi chúng rất khỏe, trong khi nhung hươu có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người dùng.
Mỗi năm, ông Bùi Hữu Nghĩa (thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) thu gần 150 triệu đồng từ mô hình nuôi hươu sao. Ảnh: L.K.
Năm 2018, gia đình ông Bùi Hữu Nghĩa, trú thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông, (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Ngãi hỗ trợ 3 con hươu sao giống (1 đực, 2 cái) về nuôi thử nghiệm.
Do đây là giống vật nuôi tương đối mới lạ ở địa phương, chưa có kinh nghiệm nên ông Nghĩa gặp chút khó khăn trong khâu chăm sóc. Trong đó, do một lần cho ăn quá nhiều củ sắn tươi nên 1 con hươu đực trong đàn bị ngộ độc chết.
Với niềm đam mê và quyết tâm thành công với loài vật này, ông Nghĩa đã bán 1 con trâu trong nhà để lấy tiền mua lại con hươu đực mới với giá 18 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ lần trước, sau khi mua giống về ông lên mạng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc để tránh gặp phải rủi ro. Nhờ vậy, thời gian sau đó, đàn hươu của gia đình ông phát triển tốt, khỏe mạnh và bắt đầu sinh sản, số lượng đàn từng ngày được nhân lên.
Theo ông Nghĩa, kỹ thuật nuôi hươu sao không hề khó, thậm chí còn dễ và nhàn hơn so với nuôi trâu, bò. Các loại lá cây, sản phẩm nông nghiệp mà trâu, bò ăn hươu đều ăn được. Không những vậy, chi phí thức ăn cho hươu cũng rất ít, 1 đàn hươu khoảng 10 con chỉ có sức ăn tương đương với 2 con bò. Chỉ có 1 lưu ý mà người chăn nuôi đặc biệt quan tâm là tuyệt đối không cho hươu ăn củ sắn tươi.
“Con hươu này nuôi khỏe lắm, có nhiều loại thức ăn mà trâu, bò kén chọn nó cũng ăn. Thấy thế nên mấy năm trước, tôi đã bán hết trâu, bò để tập trung vào đàn hươu. Ngoài ra, loại này sinh sản cũng dễ, hươu mẹ khoảng 2 năm tuổi là bắt đầu sinh con, mỗi năm 1 lứa. Từ 3 con giống ban đầu, có thời điểm số lượng hươu trong đàn của tôi lên đến gần 20 con”, ông Nghĩa chia sẻ.
Hươu sao dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí thức ăn nhẹ gấp 5 lần so với nuôi trâu, bò. Ảnh: L.K.
Cũng theo ông Nghĩa, người dân nông thôn trước nay chủ yếu chăn nuôi các con vật truyền thống như trâu, bò, heo, gà… Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế không bằng hươu sao. Trung bình mỗi năm, 1 con hươu đực sẽ cho 1 lần lấy nhung, có một số con ra nhung đến 2 lần/năm với trọng lượng nhung khoảng từ 0,5 - 1kg. Hiện, giá bán nhung hươu trên thị trường lên đến 20 triệu đồng/kg.
Ngoài lấy nhung, giá bán hươu con giống cũng rất cao. Mỗi con giống khi được 1 năm tuổi có giá trên dưới 15 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ nhung hươu cũng như hươu giống cũng tương đối ổn định. Sản phẩm hươu sao của ông Nghĩa đều được khách hàng tự liên hệ, tìm đến thu mua, đặt hàng trước nên hầu như không đủ để bán. Đến nay, ông đã xuất bán nhung hươu và hươu giống cho nhiều nông dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng mỗi năm.
“Điểm đặc biệt là giống hươu sao rất ít bị dịch bệnh như trâu, bò. Gần 6 năm qua, đàn hươu nhà tôi dù không tiêm bất cứ 1 loại vacxin nào nhưng vẫn sống khỏe, sống tốt. Thỉnh thoảng tôi chỉ phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tạo không gian thoáng mát cho chúng hoạt động. Thấy hiệu quả như vậy nên thời gian qua, tôi cũng giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con để họ đầu tư, phát triển mô hình”, ông Nghĩa tâm sự.
Ông Bùi Thanh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Ấn Đông cho biết: “Mô hình nuôi hươu sao của gia đình ông Nghĩa tuy là mới nhưng rất thành công. Qua theo dõi, chi phí chăn nuôi hươu rất thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao, gấp 2 lần so với nuôi trâu, bò. Ở địa phương có điều kiện thuận lợi là đất đai rộng rãi, thích hợp để phát triển mô hình. Tuy nhiên, do chi phí mua giống tương đối cao và là con vật mới nên các hộ dân vẫn ngại thực hiện. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để người dân trong xã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng từ đó góp phần nâng cao thu nhập từ chăn nuôi”.
Lê Khánh (NNVN)
Phản hồi