Cá rô đầu vuông có kích thước lớn gấp nhiều lần so với cá rô đồng bình thường. Khi còn nhỏ, cá rô đầu vuông giống như cá rô đồng nhưng khi lớn, đầu cá có hình hơi vuông, thân dài, có hai chấm đen ở gần đuôi và mang cá. Tuy kích thước và trọng lượng rất lớn nhưng chất lượng cá thơm ngon, thời gian nuôi càng kéo dài, cá càng lớn chứ không giảm cân như cá rô đồng bình thường. Nuôi trong 4 tháng đầu, có thể đạt trọng lượng 6 con/kg.
1. Chọn và cải tạo ao nuôi:
Chọn ao nuôi: Ao nuôi cá rô phải có diện tích tối thiểu trên 200m2. Độ sâu mực nước chết từ 1,6-2m. Xung quanh bờ ao phải thoáng, không có bóng cây, ao nuôi cá rô phải chủ động được nguồn nước cấp và nguồn nước thải không ảnh hưởng đến các hộ nuôi xung quanh cũng như sinh hoạt của người dân.
Cải tạo ao nuôi:
– Tác cạn nước trong ao nuôi, bắt hết cá tạp.
– Rải vôi nông nghiệp với lượng 7-10kg/100m2, phơi đáy ao tử 3-5 ngày
– Bơm nước mới cho ao với mức nước 5 tấc.
– Gây thức ăn tự nhiên cho ao: Đậu nành hòa vào nước, tạc xuống ao với lượng 3-5 kg/100m2 hoặc có thể dùng phân hóa học N-P-K với lượng 1-2 kg/100m2. 2 ngày sau tiến hành bơm nước đủ cho ao nuôi.
2. Chọn và thả giống nuôi:
Chọn giống: Cỡ cá rô giống thả thích hợp nhất là từ 150-200 con/kg, cá giống phải đồng cỡ, không dị hình, dị tật, cá bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng.
Thả giống: Thả giống cá rô phải thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, để bao cá giống xuống ao ngâm 10-20 phút rồi mở miệng bao cho cá ra từ từ.
3. Chăm sóc và quản lý:
Chăm sóc: Thức ăn cho cá rô là thức ăn ăn công nghiệp hoặc thức ăn chế biến
– Thức ăn công nghiệp: Có độ đạm từ 35-28 tùy giai đoạn cá nuôi mà cho thức ăn có độ đạm khác nhau.
+ Cá giai đoạn mới thả đến 1 tháng tuổi: Cho ăn 35 độ đạm, khẩu phần ăn 5-7% trọng lượng cơ thể
+ Cá giai đoạn 1 tháng đến 2 tháng tuổi: Cho ăn 30 độ đạm, khẩu phần ăn 4-6 % trọng lượng cơ thể
+ Cá giai đoạn 2 tháng đến thu hoạch: Cho ăn 28 độ đạm, khẩu phần cho ăn 2-3 % trọng lượng cơ thể.
– Thức ăn chế biến: Gồm 30% bột cá hoặc cá tạp xay nhuyễn, cám tấm 70%. Trộn 3 loại này lại nấu chín cho cá ăn, khẩu phần cho ăn tương tự như cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp.
Quản lý: Định kỳ 7-10 thay nước cho ao nuôi một lần, lượng nước thay từ 20-40 % lượng nước trong ao.
4. Phòng và trị một số bệnh thường gặp trên cá rô:
a. Bệnh nấm thủy my: Bệnh này thường gặp ở cá giai đoạn mới thả giống, dấu hiệu bệnh là trên da cá có các vết trắng nhỏ như bông gòn, cá bơi lội lờ đờ. Trị bệnh bằng cách dùng Iodine hòa vào nước tạc đều xuống ao. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có thành phần là Iodine, trên bao bì có hướng dẫn liều dùng cụ thể cho từng giai đoạn cá nuôi .
b. Bệnh lỡ loét: Bệnh này do vi khuẩn gây ra do đó để trị bệnh phải dùng kháng sinh.Có thể dùng Sunfa hoặc Cotrim để trị bệnh. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có thành phần Sunfa và Cotrim, trên bao bì có hướng dẫn liều dùng cụ thể cho từng giai đoạn cá nuôi.
Ks. Ngô Tuấn Tính – Trung tâm Khuyến nông An Giang
Theo Thủy sản Việt Nam
Phản hồi