TRÁM TRẮNG
Tên khoa học: Canarium album Raeusch
Họ thực vật: Trám (Burseraceae)
1. Đặc điểm hình thái
Là cây gỗ lớn, cao 25-30m, thân thẳng. Vỏ trắng nhẵn hay nứt đều. Khi đẽo có nhiều nhựa đục, thơm, chảy ra.
Lá kép lông chim một lần lẻ, xanh đậm, mọc tập trung đầu cành.
Hoa tự chùm mọc ở đầu cành, nách lá, hoa màu trắng vàng, đơn tính, nở tháng 3-4. Quả hạch, dễ tách, chín tháng 10-11. Hạt hình thoi, màu nâu, chặt ra có nhân màu trắng.
2. Đặc tính sinh thái
Trám phân bố rộng, khắp Bắc, Trung, Nam ở độ cao 100m đến 600m, lượng mưa 1500-2000mm/năm. Trong rừng, trám chiếm tầng trên. Trám cùng một số loài tiên phong gặp nhiều ở rừng phục hồi.
Trám trắng ưa sáng, những năm đầu cần che bóng nhẹ, mọc rất nhanh. Nước ta nhiều vùng trồng được Trám trắng. Nó thích nghi đất tầng dầy, ẩm, thoát nước.
3. Giống và tạo cây con
Có nhiều loài trám như Trám trắng (C. album), Trám đen (C. tramdenum), Trám hồng (C. luzonicum), Trám chim (C. tonkinensis), Trám đinh (C. icicaraciba), trong đó Trám trắng có giá trị hơn cả.
Với mục tiêu trồng Trám trắng để lấy quả thì ưu tiên sử dụng giống trám ghép biết rõ nguồn gốc.
Với mục tiêu trồng rừng lấy gỗ thì lấy hạt làm giống ở những cây sinh trưởng vượt trội, có hình thân đẹp, không bị sâu bệnh hại.
Nguồn giống hạt Trám trắng nhiều nhưng phải thu hái từ các rừng giống, rừng giống chuyển hóa đã được công nhận.
Thu về chọn quả mập, ngâm nước đun sôi 3 giờ, vớt ra, dùng dao cắt dọc quả để tách hạt. Không gieo ngay phải bảo quản tốt, vì hạt có dầu, bằng cách phơi khô trong râm, rồi cho vào chum vại hoặc để trên giá cao, nơi khô thoáng.
Đem hạt ngâm nước 2 giờ, vớt ra, ủ hạt nứt nanh đem gieo. Nên tạo cây có bầu, vỏ bầu bằng polyetylen có đáy cắt 2 góc và đục 6 lỗ xung quanh, cỡ 8x18cm, ruột bầu là đất rừng, đất mầu + 10-15% phân chuồng hoai.
Gieo xong phải tưới thường xuyên đủ ẩm, làm dàn che 50% ánh sáng, sau 3 tháng bỏ dàn. Cây con 9 tháng tuổi, cao 60-80cm, đường kính cổ rễ ³0,5cm đem trồng vụ Xuân Hè; cây 15-16 tháng tuổi, cao 80-100cm, đường kính cổ rễ ³1cm đem trồng vụ Xuân và trồng bổ sung vào rừng khoanh nuôi tái sinh.
Trong điều kiện cho phép và yêu cầu trồng trám lấy quả ở các trang trại, vườn rừng có thể tạo cây con bằng phương pháp ghép chồi hay ghép mắt từ vật liệu giống ở cây mẹ sai quả.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN 24-2001 – quy phạm kỹ thuật trồng rừng Trám trắng của Bộ NN&PTNT.
Trồng Trám trắng thuần loài theo rạch hay hỗn giao với cây bản địa lá rộng; trồng hỗn giao với keo hoặc trồng bổ sung trong khoanh nuôi tái sinh rừng.
Phát dọn sạch thực bì trên rạch trồng rộng 2m, giữ lại những cây tái sinh mục đích có trên rạch.
Trồng rừng bằng phương pháp gieo thẳng: Dễ làm, tuy tỷ lệ nẩy mầm thấp, sau phải gieo trồng dặm, nhưng đỡ tốn kém.
Trồng rừng bằng cây con có bầu: Phát thực bì, thu gom theo đường đồng mức. Sau đó cuốc hố 40x40x40cm, bố trí so le trên các đường đồng mức để chống xói mòn. Mật độ trồng 1000 cây/ha (2x5m) hay 2500 cây/ha (2x2m). Hoàn thành cuốc hố trước khi trồng 30 ngày.
Trồng trong vườn – trại: Trồng 400 cây/ha (5x5m) hay 500 cây/ha (4x5m), để xen cây lương thực, cây cho quả, cho củ. Cuốc hố 40x40x40 cm bón lót phân chuồng + phân xanh đã hoai vào từng hố.
Thời vụ trồng: Đông Xuân, Xuân hoặc Xuân Hè. Trồng vào ngày râm mát.
Rừng trồng chăm sóc 3 năm. Năm đầu 2 lần, sau trồng 3 tháng, trồng dặm cây chết, xới vun gốc rộng 0,8-1m, lần 2 vào cuối năm cũng xới vun gốc, đồng thời phát thực bì dọc hàng cây rộng 1m. Năm thứ hai chăm sóc như năm đầu, nhưng phát rộng 2m, mở rạch hình phễu. Năm thứ 3, chăm sóc 2 lần như năm thứ 2.
Rừng non cần chống gia súc, người phá hoại. Rừng Trám trắng non hay bị sâu cuốn lá, cắn ngọn, cần phòng trừ.
Rừng Trám trắng trồng cần chặt nuôi dưỡng vào tuổi 6. Chặt cây xấu, chặt một, chừa một. Trồng mật độ dầy cần tỉa hai lần, cách 3-4 năm.
Sau khi chặt tỉa thưa phải bón phân theo 3 hốc cách đều quanh gốc. Mỗi hốc 5-7kg phân chuồng + 2% NPK (5:10:3). Cứ 3 năm một lần bón, cây mới cho nhiều quả, nhựa, gỗ.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ Trám trắng mềm, nhẹ, tỷ trọng 0,59, xếp nhóm VII, màu vàng trắng. Gỗ khá tốt, nhất là sau ngâm tẩm, dễ chế biến, dùng làm gỗ dán lạng, bột giấy (chứa 47,5% Cellulose). Quý nhất là trám cho nhiều nhựa, dùng chế keo, sơn, vécni, xi, xà phòng, dầu thơm, dược liệu,… Nhựa có 50-70% Colophan, dùng thay nhựa thông, chế tùng hương trong công nghệ và xuất khẩu, chứa 8-10% tinh dầu.
Quả để bán, ăn sống hoặc muối làm thức ăn, ô mai, phơi khô làm thuốc giải độc, tê thấp, ỉa chảy, cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm,…
Trích nhựa: Mở máng theo một đường chéo sát gốc rồi đặt chậu hứng nhựa. Trích nhựa vừa phải, tránh khai thác kiệt. Nhựa trám đạt yêu cầu có màu tự nhiên và tạp chất dưới 25%.
Thu quả bằng cách trèo hái hay nhặt quả chín rụng quanh gốc.
Thu hoạch gỗ: Sau khi kinh doanh quả, nhựa cần chặt cây lấy gỗ. Chặt xong cắt khúc theo quy cách làm gỗ dán hay gỗ xuất khẩu, sau đó quét thuốc bảo quản LN3 nồng độ 10%.
Nguồn: Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam
Phản hồi