DẺ ĐỎ
Tên khoa học: Lithocarpus ducampii (Hickel & A.Camus) A. Camus
Họ thực vật: Dẻ (Fagaceae)
(Nguồn chính: Nguyễn Thị Nhung, 2009)
1. Đặc điểm hình thái
Cây có đường kính ngang ngực 50-60cm, cao tới 30m, thân thẳng, có bạnh vè; vỏ màu nâu xám, nứt dọc sâu; tuỷ tuyến nổi rõ rệt. Tán lá rộng, xanh quanh năm.
Lá đơn, mọc cách, có lá kèm sớm rụng; lá hình ngọn giáo dài 10-12cm, rộng 3-4cm, cuống lá dài 1cm; gân lá nổi rõ ở mặt dưới, mặt trên có lông hình sao màu gỉ sắt.
Hoa tự bông đuôi sóc. Hoa đực có 10-12 nhị, chỉ nhị dài và mảnh. Hoa cái mọc thành từng cụm, mỗi cụm có 2- 5 hoa. Mùa hoa tháng 5-7. Đấu quả không có cuống mọc thành cụm 3 chiếc một, mang nhiều vẩy nhọn, quả cao 1,5-2cm, đường kính 1-1,5cm. Mùa quả tháng 11-12.
2. Đặc tính sinh thái
Phân bố tự nhiên ở Lào, Campuchia, Việt Nam và Nam Trung Quốc.
Ở Việt Nam, Dẻ đỏ phân bố trong rừng nguyên sinh và thứ sinh ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Bắc, Quảng Ninh… Dẻ đỏ ít phân bố tự nhiên ở các tỉnh phía Nam. Trong rừng, nó thường mọc với các loài như Lim xanh, Sến, Táu, Kháo, Trám, Ràng ràng và một số cây họ Dẻ khác như Dẻ gai, Dẻ cau, Dẻ bộp.
Trong vùng phân bố cây Dẻ đỏ có thể sống và sinh trưởng ở nhiều loại đất, thích hợp nhất là đất Feralit vàng đỏ hoặc đỏ vàng phát triển trên đá macma axít hoặc trên phiến thạch sét, phấn sa.
Thích hợp với khí hậu ẩm nhiệt đới mưa mùa, lượng mưa bình quân 1500-2500 mm/năm, nhiệt độ bình quân 22-27oC.
Khả năng tái sinh hạt tốt dưới tán rừng thưa. Cây ưa sáng, lúc nhỏ cần che bóng nhẹ. Chu kỳ kinh doanh không quá dài (25-35 năm) do cây Dẻ đỏ sinh trưởng khá nhanh. Cây Dẻ đỏ có thể dùng để gây trồng rừng thuần loài, trồng rừng hỗn giao, làm giàu và cải tạo rừng.
3. Giống và tạo cây con
Phải lấy hạt từ cây giống, vườn giống hoặc rừng giống chuyển hóa. Cây lấy giống phải là cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, tán rộng. đều không bị sâu bệnh và đã có từ hai vụ quả trở lên (cây đạt 15 tuổi trở lên).
Hạt giống phải đạt đường kính 1,7-1,9 cm, trọng 1 kg hạt có từ 350-370 hạt, 1 kg quả có 300-305 hạt và 0,2 kg đấu, tỷ lệ nảy mầm trên 70%.
Khi quả chín vỏ quả chuyển từ màu xanh nâu sang màu vàng nhạt, hạt có màu vàng nhạt. Thời vụ thu hái tốt nhất vào cuối tháng 11 đầu tháng 12.
Kỹ thuật thu hái chủ yếu là thủ công dùng sào có buộc ngoắc ở đầu để ngoắc từng chùm khi quả chuyển màu hoặc nhặt hạt khi quả chín rụng xuống. Không chặt cành làm ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.
Sau khi thu hái cần loại bỏ tạp chất và quả nhỏ, ủ vào cát ẩm từ 4- 6 ngày cho đế (đấu) quả rời ra đem gieo ươm ngay hoặc bảo quản trong cát ẩm. Trộn đều hạt trong cát ẩm 5-6% với tỷ lệ 1 hạt /2 cát (tính theo tỷ lệ thể tích) sau đó vun thành luống cao 15-20 cm, trên mặt rải thêm 1 lớp cát mỏng khoảng 1-2 cm để phủ kín hạt, khoảng 5-7 ngày đảo 1 lần. Thời gian bảo quản khoảng 20-40 ngày.
Tuỳ theo số tháng nuôi cây con trong vườn ươm để chọn đường kính bầu. Nếu nuôi cây khoảng 6 tháng thì chọn bầu PE cỡ 9x13cm, nếu nuôi cây trên 9 tháng trở lên thì cỡ bầu 12 x15cm.
Thành phần ruột bầu gồm: tầng đất mặt thịt nhẹ, đất tốt + 10% phân chuồng hoai và 1% phân NPK (5:10:3). Bầu đóng xong được xếp thành luống rộng 0,8 đến 1m, mặt bầu phẳng, lấp đất xung quanh 2/3 bầu và các kẽ hở của bầu để cho chặt luống bầu. Các luống bầu cách nhau 50-60cm để chăm sóc cây con được thuận tiện.
Gieo hạt trên luống cát ẩm hoặc luống đất đến khi hạt nảy mầm được 2 lá thì nhổ cấy vào bầu, hoặc ủ hạt trong cát ẩm đến khi hạt nứt nanh thì mang gieo trực tiếp vào bầu, lưu ý khi cấy hạt để hạt nằm ngang hoặc phần mầm rễ nhú ra xuống dưới và lấp đất dày từ 1-2 cm. Cần tưới ẩm bầu trước khi cấy hạt.
Khi gieo ươm cần làm giàn che vì thời gian đầu cây ưa bóng. Trong thời gian gieo hạt hoặc cấy cây mầm che bóng 100% khoảng 10-15 ngày, sau đó giảm dần dàn che xuống 75% và xuống dần 50%. Trước khi cây xuất vườn phải bỏ hoàn toàn dàn che nhưng phải chọn ngày dâm mát và phải bỏ từ từ tránh cây bị nắng đột ngột. Vật liệu dùng làm dàn che tốt nhất là đan phên bằng nứa hoặc tre có thể dùng tế guột cắm.
Trong thời gian đầu cần tưới nước thường xuyên nhưng chỉ vừa đủ ẩm để hạt không bị thối do úng nước, giai đoạn đầu tưới thường xuyên sau khi cây được 2 tháng tuổi lượng nước tưới giảm dần tuỳ theo thời tiết và độ ẩm của bầu.
Sau 1 tháng tiến hành nhổ cỏ phá váng mặt bầu lần 1, thời gian nhổ cỏ phá váng lần 2 tuỳ theo lượng cỏ và độ cứng của mặt bầu.
Khi cây cao được 10 cm có thể bón thêm phân NPK(5:10:3) bằng cách pha 0,2 kg với 10 lít nước, tưới đều trên mặt luống cho 4m2; 10-15 ngày tước 1 lần tuỳ theo mức độ sinh trưởng tốt, xấu của cây để quyết định số lần tưới phân. Cần dừng tưới phân trước khi cây xuất vườn đem trồng 1-2 tháng.
Khi phát hiện thấy có sâu cuốn lá thì dùng thuốc sâu Pastac hoặc Baxa phun trên mặt luống. Nếu bị nấm thì dùng benlát nồng độ 1% để phun đều trên mặt luống, cách 7-10 ngày phun 1 lần đến khi hết thì ngừng phun.
Sau khi cây mầm đã lên được 2-3 lá thì cần dồn lại bầu, loại bỏ bầu không có cây để dặm và tập trung chăm sóc cây con. Trước khi trồng từ 1-1,5 tháng cần tiến hành đảo bầu, cắt lá, hãm cây để khi trồng không bị chột cây. Nếu thời gian nuôi cây trong vườn ươm lâu thì khoảng 3 tháng phải đảo bầu 1 lần. Khi đảo bầu phải chọn thời tiết râm mát, và tưới đủ nước ẩm bầu tránh làm vỡ bầu.
Khi cây ươm đạt 4 tháng tuổi trở lên, có chiều cao trên 30cm, đường kính gốc trên 0,5cm, sinh trưởng tốt, phát triển cân đối, không sâu bệnh hoặc cụt ngọn là đủ tiêu chuẩn đem trồng.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Dẻ đỏ có biên độ sinh thái rộng nên có thể gây trồng ở các tỉnh miền Bắc những nơi có lượng mưa bình quân 1500-2500 mm/năm, nhiệt độ bình quân 22-27oC. Có thể trồng ở các loại đất còn tính chất đất rừng, đất thịt, đất sét nhẹ nhưng thích hợp nhất là đất Feralit vàng đỏ hoặc đỏ vàng phát triển trên đá macma axít hoặc trên phiến sét, phấn sa.
Trồng rừng thuần loài:
Thực bì được phát dọn sạch trước thời vụ trồng 2 tháng, thực bì có thể đốt hoặc băm nhỏ cành nhánh.
Cuốc hố kích thước 40x40x40 cm, sau 15-20 ngày lấp hố kết hợp bón lót phân chuồng hoai (3-5 kg/hố) hoặc phân NPK(5:10:3) với lượng 100-150 g/hố đảo đều phân và đất.
Khi thời tiết thuận lợi thì trồng cây. Chú ý khi lấp đất xuống hố phải lấy lớp đất mặt đập nhỏ, lượng đất lấp phải đầy hố giữa tâm hố cao hơn miệng hố từ 3-4 cm.
Mật độ thích hợp là 1100 cây/ha, cự ly 3mx3m, có thể trồng mật độ 1330 cây/ha, cự ly 3mx2,5m hoặc 1660 cây/ha, cự ly 3mx2m.
Trồng thuần loài có thể tận dụng trồng xen cây nông nghiệp 2 năm đầu bằng các biện pháp nông lâm kết hợp hoặc trồng cây cốt khí phù trợ nhằm cải tạo đất.
Trồng bằng cây con có bầu 4 tháng tuổi trở lên, khi trồng cần rạch bỏ vỏ bầu, lấp đất đến cổ rễ và lèn chặt đất, chú ý cây phải đặt thẳng đứng ở giữa hố.
Trồng vụ Xuân vào tháng 2-4 hoặc vụ Thu vào tháng 8-9. Khi trồng nên chọn ngày có thời tiết râm mát.
Rừng trồng cần chăm sóc 3-4 năm đầu:
+ Năm thứ nhất: Nếu trồng vụ xuân thì chăm sóc 2 lần, lần 1 vào tháng 5-6, luỗng phát cỏ dại, cây bụi, dây leo. Lần 2 vào tháng 9-10, luỗng phát cỏ dại dây leo, xới phá váng xung quanh gốc cây. Kỹ thuật chăm sóc gồm luỗng phát cỏ dại, cây bụi, dây leo toàn diện, vun xới đất quanh gốc rộng 1m. Nếu trồng vụ thu chăm sóc 1 lần vào tháng 10-11 chỉ luỗng phát cỏ dại, không xới gốc.
+ Năm thứ hai, chăm sóc 3 lần, gồm 2 lần phát luỗng và xới xung quanh gốc vào các tháng 2-3; 7-8 và 1 lần phát luỗng vào tháng 11. Kỹ thuật chăm sóc như năm thứ nhất.
+ Năm thứ ba, thứ tư: Mỗi năm chăm sóc 2 lần, gồm 1 lần phát luỗng và xới cỏ xung quanh gốc vào tháng 2-4 và 1 lần phát luỗng vào tháng 8-9. Kỹ thuật chăm sóc áp dụng như năm thứ nhất.
Trồng rừng hỗn giao:
Dẻ đỏ có thể trồng hỗn giao với nhiều loài cây bản địa (Kháo vàng, Re gừng, Giẻ cau, Lim xanh, Xoan đào, Sồi phảng,…) và có thể trồng hỗn giao theo hàng, dải với keo lai, Keo tai tượng.
Mật độ trồng 1100cây/ha hoặc 1600cây/ha, theo 3 phương thức:
Trồng hỗn giao theo cây (cây nọ cây kia hoặc 3 cây nọ 3 cây kia).
Trồng theo hàng (hàng nọ hàng cây kia).
Trồng theo dải (trồng mỗi loài từ 3-5 hàng).
Kỹ thuật trồng chăm sóc rừng thực hiện như trồng thuần loài.
Trồng theo rạch:
Thường áp dụng để làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt hoặc cải tạo rừng phòng hộ kém hiệu quả.
Phát rạch trồng 6-8m, rạch chừa 4m, trong rạch phát dọn hết thực bì, cuốc hố giữa rạch với cự ly 2,5-3m, cuốc hố 40×40 x40cm.
Kỹ thuật cuốc hố, trồng chăm sóc áp dụng như trồng thuần loài nhưng cần lưu ý khi phát chăm sóc cần phát luỗng cả băng chừa những cành nhánh của cây rừng cũ mở độ chiếu sáng cho cây trồng tạo điều kiện xúc tiến tái sinh tự nhiên.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ thuộc nhóm V, cứng, chịu được va đập mạnh, có màu hồng thường dùng làm trụ mỏ, thoi dệt, vật liệu xây dựng, đóng đồ gia dụng, tà vẹt. Đặc biệt dùng gỗ Dẻ đỏ để đóng sàn và thùng xe rất bền chắc.
Sau khi rừng đã khép tán (5 năm) thì bắt đầu chuyển sang giai đoạn nuôi dưỡng. Kỹ thuật nuôi dưỡng chủ yếu là tỉa thưa để giải quyết nhu cầu ánh sáng và không gian dinh dưỡng cho cây trồng.
Thời gian tỉa thưa lần đầu có thể tiến hành sau năm thứ 5 (cây đã giao tán), tuỳ thuộc vào mật độ trồng và phương thức trồng để xác định thời gian tỉa và số lần tỉa. Có thể dự kiến các lần tỉa cho từng phương thức như sau:
Đối với rừng trồng tập trung: lần tỉa đầu tiến hành vào năm thứ 5 hoặc 6, mật độ để lại khoảng 700-900 cây/ha. Lần hai vào năm thứ 9 hoặc 10 mật độ để lại khoảng 500-600 cây/ha. Lần ba vào năm thứ 14 hoặc15, mật độ còn lại (mật độ cuối cùng) là 300-400 cây/ha.
Phản hồi