HUỶNH
- Tên khác: Huệng
- Tên khoa học: Tarrietia javanica Blume
- hoặc Tarrietia cochinchinensis Pierre
- Họ thực vật: Trôm (Sterculiaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, đường kính ngang ngực có thể đạt trên 1m, chiều cao 25-35m. Thân tròn, thẳng, gốc có bạnh vè, vỏ trắng bạc, có nhựa trong. Lá kép chân vịt, có 3-7 lá chét, mặt trên nhẵn, mặt dưới phủ lông trăng bạc. Khi còn nhỏ cây có lá đơn nguyên và xẻ thuỳ chân vịt. Hoa tự viên chùy, đơn tính, mọc nách lá, màu hồng. Hoa cái có 5 lá noãn rời sau mỗi lá noãn hình thành 1 quả có cánh, cánh dài 7-8cm, rộng 1-2cm, mỗi quả có một hạt. Huỷnh 25-30 tuổi đã ra hoa, có quả và thường hàng năm ra hoa rất nhiều. Ra hoa tháng 4-5, quả chín vào tháng 8-9.
2. Đặc tính sinh thái
Huỷnh phân bố từ nam đèo Ngang đến Tây Nam Bộ nhưng gặp nhiều nhất ở Quảng Bình. Thường gặp ở độ cao dưới 300m so với mực nước biển, không quá xa biển, nơi có nhiệt độ bình quân năm 22-26oC, lượng mưa bình quân 1500-2500mm.
Huỷnh ưa sáng, mọc tương đối nhanh, chiếm tầng trên của rừng, thường sống hỗn loài với Gụ, Trường, Trám, Chò, Ràng ràng, Chẹo, Bưởi bung. Huỷnh thích hợp với các loại đất vàng đỏ phát triển trên đá mẹ granít, phiến thạch mica, phiến thạch sét. Cây ưa đất tốt, sâu ẩm, còn tính chất đất rừng. Tuy nhiên nó cũng sống được ở những nơi có tầng đất mặt nông mỏng 20-40cm. Khi nhỏ Huỷnh thích hợp với ánh sáng nhẹ. Huỷnh tái sinh khá trong vùng phân bố tự nhiên, đặc biệt rừng sau khai thác có độ tàn che 0,3-0,8, số lượng cây tái sinh 1000-1500cây/ha với đủ các cấp chiều cao.
Lượng tăng trưởng bình quân hàng năm của Huỷnh trồng đạt 0,9-1cm về đường kính, 80-90cm về chiều cao. Từ tuổi 5 đến tuổi 12 có tốc độ sinh trưởng chiều cao và đường kính nhanh nhất, đạt 90-130cm và 1,4-2cm/năm. Huỷnh sinh trưởng tương đối nhanh, đã trồng có kết quả ở Ba Rền – Quảng Bình.
3. Giống và tạo cây con
Thu hái hạt, gieo hạt: Tháng 8-9 quả chín, cần thu hái kịp thời khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu nâu. Huỷnh sai quả, quả có cánh, nếu không thu hái kịp, quả sẽ phát tán theo gió. Hái quả về và đem ủ 4-5 ngày. 1 kg hạt có 1500-1700 hạt.
Đất vườn được xử lý, bón lót, lên luống, làm rãnh như đối với việc gieo các loài cây lá rộng khác.
Sau khi hạt nứt nanh có thể gieo theo rạch hoặc gieo vãi trên luống. Sau khi gieo, che phủ mặt luống để giữ ẩm. Tỷ lệ nảy mầm đạt 80-90%. Khi hạt nảy mầm, đem cấy vào bầu.
Vỏ bầu polyetylen, có đường kính 7-8cm, chiều cao 10-12cm. Ruột bầu gồm 80% đất vườn ươm + 20% phân chuồng hoai.
Che 40% ánh sáng cho cây, sau 3 tháng giảm còn 10-15%, sau 5 tháng có thể bỏ dàn che. Tùy theo thời vụ trồng, tiêu chuẩn cây con khác nhau.
Trồng cây con 6 tháng tuổi, có chiều cao 20-25cm vào vụ Xuân (tháng 2-3). Trồng cây con 9 tháng tuổi, có chiều cao 30-35cm vào vụ Thu.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN-2006 – quy trình kỹ thuật trồng rừng Huỷnh của Bộ NN&PTNT.
Trồng Huỷnh trên đất còn có tính chất đất rừng, thoát nước, phát triển trên đá bazan, riolit, phấn sa, phiến sét, granit.
Nếu trồng theo băng kết hợp với cây nông nghiệp Huỷnh sẽ sinh trưởng tốt hơn.
Có thể trồng theo rạch nhưng phải chặt hết tầng cây cao, chỉ để lại tầng cây bụi, cây nhỏ có chiều cao 5-7m, phát rạch rộng 2-3m.
Trên rạch trồng một hàng cây, hàng cách hàng 7-10m, cây cách cây 2,5-3m. Mật độ 400-600 cây/ha.
Huỷnh thời kì đầu chịu bóng nhẹ, sau lớn lên dần ưa sáng và ưa sáng hoàn toàn. Vì vậy, khi chăm sóc phải đảm bảo cho Huỷnh khi còn nhỏ không bị phơi nắng hoàn toàn nhưng cũng không bị cớm rợp.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ Huỷnh có màu hồng sáng, phẩm chất tốt, giác lõi phân biệt. Giác màu nâu, lõi màu đỏ, cứng, nặng, tỷ trọng 0,65-0,72. Gỗ có thớ mịn, thẳng, bền, ít cong, vênh, không bị mối mọt, chịu được va đập mạnh, chịu mặn, thường được dùng trong xây dựng, đóng tàu thuyền và các đồ đạc trong gia đình.
Công ty Lâm nghiệp Long Đại – Quảng Bình đã trồng được hơn 400 ha rừng Huỷnh có lâm phần đạt tới 25 tuổi. Tăng trưởng bình quân về đường kính là 0,7-0,8 cm/năm, về chiều cao là 0,6-0,8m/năm. Cây sinh trưởng tốt, có nhiều triển vọng.
Phản hồi